Yoga thực hành trong các tôn giáo khác ngoài Ấn Độ giáo



Không chỉ những truyền thống Ấn Độ giáo chính thống, mà ngay những truyền thống được xem là bên ngoài cũng thực hiện Yoga. Ví dụ như các Thánh nhân trong Kì-na giáo được xem là những vị am tường phép Yoga. Ngay Phật Thích-ca cũng thực hành Yoga và kinh điển Phật giáo thường nhắc đến các phương pháp tập trung lắng đọng tâm thức cũng như miêu tả các trạng thái thiền định. Một trong hai trường phái lớn của Phật giáo Đại thừa là Duy thức tông cũng có tên khác là Du-già hành phái (zh. 瑜伽行派, sa. yogācāra), chính vì các đại biểu trường phái này đặc biệt chú tâm đến việc thực hành Yoga.

Hệ thống Yoga cổ điển như một phái triết học được Ba-đan-xà-lê (zh. 巴丹闍梨, sa. patañjali, tiểu sử không rõ, có thể sống thế kỉ 2/3 trước CN hoặc thứ 5 sau CN), tác giả của bộ Du-già kinh (zh. 瑜伽經, sa. yogasūtra) khai sáng. Trong hệ thống này, Yoga kết hợp chặt chẽ với Triết học số luận (zh. 數論, sa. sāṃkhya) đến mức người ta xem Yoga và Số luận gần như là một hệ thống với Yoga đại diện khía cạnh thực hành và Số luận đại diện phần lí thuyết. Yoga hấp thụ phần triết học siêu hình của Số luận. Tuy nhiên, người ta tìm thấy hai điểm khác biệt nổi bật giữa hai hệ thống này: phái Số luận thuộc hệ thống vô thần trong khi hệ thống Yoga thừa nhận một đấng Tự Tại (sa. īśvara). Theo Số luận thì chỉ nhận thức siêu việt mới chính là con đường dẫn đến giải thoát. Đối với hai hệ thống này thì Phú-lâu-sa (zh. 富樓沙, sa. puruṣa), tâm thức siêu việt trường tồn và bản tính (zh. 本性, sa. prakṛti, Du-già kinh 1,24-27) là hai nguyên lí tối cao.

Yoga trong Chí Tôn ca
Chí Tôn ca (sa. bhagavadgītā) ghi rõ mối quan hệ với phái Số luận và ảnh hưởng của phái này đến Chí Tôn ca cũng là những điểm đáng chú ý (Chí Tôn ca 2,39, 3,3.42). Tuy nhiên, Chí Tôn ca mở rộng phạm vi Yoga, cho rằng tất cả những nỗ lực thành tựu mục đích tâm linh đều là Yoga. Trong mối quan hệ này, Chí Tôn ca nhắc đến ba loại Yoga:

Yoga nghiệp (sa. karmayoga), luyện Yoga qua những hoạt động hằng ngày.
Yoga tín ngưỡng (sa. bhaktiyoga), tu tập qua niềm tin vững chắc.
Yoga trí (sa. jñānayoga), dùng trí huệ làm phương tiện.
Chí Tôn ca định nghĩa Yoga là tâm an xả, bất động (2,48), là sự khéo léo khi hành động (2,50). Chương 6 nói về cách cư xử của một hành giả từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hành giả luôn luôn hài lòng, tự chủ và không dao động trước những việc xảy ra với chính mình.

Yoga và Mật giáo
Một dạng Yoga khác với tên Laya-yoga được phát triển trong các hệ thống Mật giáo. Với khái niệm rằng, năng lực tâm linh của con người nằm co lại như một con rắn lửa (sa. kuṇḍalinī) ở dưới cột xương sống của mỗi người, hệ phái này đưa ra những phép tu luyện để đánh thức năng lực. Qua quá trình tu tập, con rắn này vươn lên, đi qua sáu luân xa (sa. cakra), nôm na là "bánh xe" nằm ở cột sống, đến xa luân thứ 7 nằm trên đỉnh đầu, là hoa sen 1000 cánh (sa. sahasrāha), được xem là trú xứ của Thấp-bà (sa. śiva). Hành giả hoà nhập với Thấp-bà, đạt Tam-ma-địa, phát triển trọn vẹn năng lực tâm linh và đạt giải thoát.

0 Lưu tâm:

Đăng nhận xét